
Các em học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong kỳ thi thử TN THPT lần 1 năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, trong đó có quy định khung quy đổi giữa các loại điểm thi, bao gồm: điểm thi riêng (APT, HSA, TSA…) và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.
1. Khung quy đổi giữa các loại điểm thi
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khung quy đổi được xây dựng theo phương pháp bách phân vị, dựa trên phân tích kết quả của những thí sinh đồng thời có điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT tương ứng trong năm 2025.
Các khoảng điểm được sắp xếp theo thứ hạng phần trăm (top 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%…) như trình bày trong Bảng 1.
Khung quy đổi điểm trúng tuyển theo bài thi riêng sang điểm thi tốt nghiệp THPT
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)
2. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo
- Xác định tổ hợp môn thi tốt nghiệp phù hợp với bài thi riêng, đồng thời khuyến nghị các CSĐT khác sử dụng tổ hợp tương tự.
- Công bố bách phân vị của kết quả bài thi riêng năm 2025 (X0, X1…) trước ngày 31/5/2025; chậm nhất 30/6/2025 nếu kết quả công bố sau 31/5/2025.
- Phối hợp với Bộ GD&ĐT để phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT và công bố khoảng điểm tương ứng (A0, A1…, B0, B1…) chậm nhất 3 ngày sau khi công bố kết quả thi.
Ví dụ công thức quy đổi: T_HSA = HSA3 + (T_A00 – A3) × (HSA2 – HSA3) / (A2 – A3)
3. Khung quy đổi giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh duy trì chức năng nhập điểm chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển, như những năm trước. Việc xác định mức chênh lệch dựa trên phổ điểm do Bộ GD&ĐT công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
4. Quy đổi điểm trúng tuyển từ kết quả học tập THPT (học bạ)
Do điểm học bạ không phản ánh kết quả trên một thang đánh giá thống nhất toàn quốc, Bộ GD&ĐT không xây dựng khung quy đổi chung.
Tuy nhiên, Bộ sẽ công bố số liệu thống kê về tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình môn học. Dựa vào đó, các CSĐT có thể xác định quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào tương đương.
5. Hướng dẫn áp dụng khung quy đổi trong tuyển sinh
- Xây dựng bảng và công thức quy đổi cụ thể cho từng chương trình, ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo.
- Chọn bài thi/tổ hợp môn phù hợp nhất với phương thức xét tuyển. Mỗi bài thi riêng cần bảng quy đổi riêng, sử dụng một tổ hợp môn duy nhất làm chuẩn.
- Chia nhỏ hoặc điều chỉnh khoảng điểm trong Bảng 1 nếu cần, để phù hợp với đặc thù từng ngành.
- Xây dựng bảng quy đổi với các bài thi quốc tế như SAT, ACT… bằng phương pháp phù hợp, ưu tiên dùng bách phân vị.
Việc xây dựng các bảng và công thức quy đổi cần dựa trên phân tích dữ liệu tuyển sinh, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển, phổ điểm thi và đặc điểm thí sinh theo từng phương thức xét tuyển.